“ Sóng ngầm” nơi bến đậu…

Những chuyến lênh đênh dài ngày trên biển với biết bao hiểm nguy rình rập không làm họ nản lòng. Nhưng trớ trêu thay, họ lại cảm thấy bất an khi tàu mình bị mắc cạn ngay chính tại sân nhà mình…
Tưởng rằng sau những chuyến đi dài ngày, bến bờ neo đậu sẽ là nơi ngư phủ có thể trút được nỗi lo. Nhưng niềm vui chưa thực sự trọn vẹn sau chuyến lênh đênh với lượng hải sản thu được khá dồi dào, ẩn họa vẫn đang đợi chờ họ ở phía trước.

Gạt vội những giọt mồ hôi mặn trên khuôn mặt sạm đen, người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần có thâm niên hơn 20 năm làm nghề đánh bắt thủy sản xa bờ Bùi Văn Pháp- Trưởng tàu QN 92850 cho biết: “ Cảm thấy tâm trạng bất an khi tàu mình ghé vào khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Nhượng ( Cẩm Xuyên) vì lo sợ dòng nước chảy xiết ở phía dưới”. Cùng tâm trạng đó, Nguyễn Văn An- Chủ tàu NĐ 91539 nói sau tiếng thở dài. “ Sóng to gió lớn không quật ngã được chúng tôi. Trớ trêu là tàu lại bị mắc cạn ngay tại “sân” nhà mình - Khu tránh trú bão Cửa Sót ( Lộc Hà). Trước đây ra vào lạch dễ dàng. Nay việc ra vào sao lại trở nên khó khăn đến thế ?”. Tàu NĐ 91539 chỉ là một “ nạn nhân” trong hàng loạt tàu bị mắc cạn tại khu neo đậu Cửa Sót.

Chỉ trong vòng 10 ngày, từ 6-16/2 đã có 12 tàu cá công suất từ 125 CV đến 220 CV bị mắc cạn tại cảng Cửa Sót. Con số này được coi là nhiều nhất trong vòng 5 năm lại nay đã gây thiệt hại rất lớn về tàu và sản phẩm đánh bắt của ngư dân. Nguyên nhân gây nên tình trạng trên là do lượng cát bồi lắng luồng lạch vào cảng cá và khu vực neo đậu ngày càng diễn biến phức tạp. Không còn sự lựa chọn nào khác, nhiều tàu ra vào chỉ biết chạy đường vòng 3 km về phía xã Thạch Bàn để tránh bị mắc cạn

Cũng trong khoảng thời gian từ đầu năm đến nay, tại chân kè chắn sóng phía hạ lưu của các xã: Cẩm Long, Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) hàng ngày xuất hiện từ 5-8 tàu hút cát không biển số. Điều đáng lo ngại là khu vực hút cát lại rất gần với khu vực kè chắn sóng khu neo đậu tránh bão cảng cá Cẩm Nhượng nên nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông đường thủy đang hiện hữu.



Chưa dứt nỗi lo về tình trạng tàu mắc cạn tăng đột biến, kè chắn sóng bị sạt lở, nhiều chủ tàu lại đứng trước một một nguy cơ lớn hơn: Chìm tàu. Tại chân mỏ đá xã Thạch Bàn hiện có 6 đáy đánh bắt cá của 4 hộ dân xã Thạch Bàn và 2 hộ xã Thạch Kim. Thế cho nên qua lại khu vực này, nhiều chủ tàu buộc phải tránh xa nếu không may va vào.

Cho đến nay, tại các khu vực thuộc Ban Quản lý cảng cá Hà Tĩnh quản lý chưa hề xảy ra tình trạng chìm tàu và chết người. Tuy nhiên vấn đề lại ở chỗ “ Trong những năm gần đây tại khu vực này chưa từng xảy ra cơn bão nào lớn. Nếu bão lớn đổ bộ không ai có thể lường trước được điều gì” Giám đốc cảng cá Hà Tĩnh Bùi Tuấn Sơn lo lắng nói.

 

Không nhiều ngư dân chịu bỏ nghề bởi đơn giản là gánh nặng công việc mưu sinh đã níu kéo. Và hơn thế, với họ ra khơi còn để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tiếc rằng khi trở về neo đậu tại quê hương, sóng ngầm vẫn chờ họ nơi bến đậu.
Cảng cá Hà Tĩnh chịu trách nhiệm quản lý 2 khu neo đậu tránh trú bão Cửa Nhượng, Cửa Sót với tổng diện tích xấp xỉ 6 ha và 2 cảng cá: Thạch Kim, Xuân Hội. Năm 2011, số tàu thuyền ra vào tại 2 khu neo đậu và khu vực Cảng Của Sót lên đến xấp xỉ 11.000 chiếc với hơn 6.000 tấn thủy sản và hàng hóa các loại cập cảng chủ yếu tại Cửa Sót và Thạch Kim. Lượng tàu thuyền ra vào cảng 2/3 là tàu của các tỉnh từ Nam Định đến Quảng Ngãi, còn lại là của ngư dân địa phương. Mặc dù khối lượng công việc khá nặng nề nhưng chỉ với 18 người rải đều tại 4 khu vực trong điều kiện chỉ có 2 chiếc xuồng nhỏ chạy sông, nguồn chi phí duy tu bão dưỡng không có nên nếu có bất trắc rất khó xử lý.

 

Đề cập đến nhưng yếu tố tác động đến cản trở ra vào cảng của các tàu thuyền cũng như nguy cơ mất an toàn về người và tài sản của ngư dân, Phó Giám dốc Sở Nông nghiệp & PTNT Lê Đức Nhân cho rằng: “ Chi phí nạo vét luồng lạch là rất lớn, có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Vượt ngoài tầm khả năng của chúng tôi. Còn đối với việc nạo vét khu vực đó nằm ngoài âu. Nhưng nguy cơ ảnh hưởng không thể nói là không có. Vì vậy, Sở đã có công văn kiến nghị. Đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm.”

Đánh bắt thủy hải sản là công việc hàng ngày đối với hàng vạn người dân vùng biển. Lênh đênh dài ngày trên biển với những chiếc thuyền mỏng manh chứa đựng nhiều rủi ro, nghiệt ngã, đôi khi còn phải phó thác tính mạng giữa trùng trùng biển khởi, biết vậy nhưng “hết mưa là hết nước trọt”, không ra khơi lấy gì mà sống. Do vậy không nhiều ngư dân chịu bỏ nghề bởi đơn giản là gánh nặng công việc mưu sinh đã níu kéo. Và hơn thế, với họ ra khơi còn để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tiếc rằng khi trở về neo đậu tại quê hương, sóng ngầm vẫn chờ họ ở bến bờ.